Bình Định: Đẩy mạnh hạ tầng giao thông - chìa khóa cho sự phát triển kinh tế

menu

Đóng

Bình Định: Đẩy mạnh hạ tầng giao thông - chìa khóa cho sự phát triển kinh tế

“Tôi cho rằng, hạ tầng giao thông có sứ mệnh đi trước “mở đường” để khai mở nền kinh tế, tạo động lực để thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, kết nối mang lại lợi ích cho nhiều ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ về chiến lược đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Bình Định phát triển trong giai đoạn tới. 

Trong các tháng đầu năm, UBND tỉnh Bình Định đã thành lập các tổ công tác để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước. Điều này là “chất xúc tác” cho các công trình, dự án được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là đẩy mạnh xây dựng các công trình trọng điểm về giao thông và tổ chức kết nối các tuyến này thành mạng lưới liên lạc.

Bình Định đã và đang chú trọng công tác lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng; chú trọng đầu tư và chỉnh trang đô thị, phát triển môi trường sinh thái.

Nhờ sự bứt phá này cộng với những tiềm năng vượt trội, và có vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cho nên những năm gần đây, Bình Định đã nổi lên như tâm điểm của thị trường bất động sản miền Trung, thu hút được các doanh nghiệp lớn.

Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Hạ tầng “đi trước, mở đường”

PV: Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã từng bước đột phá trong hạ tầng giao thông. Vậy có phải Bình Định đã lựa chọn giao thông “đi trước, mở đường” cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Đúng vậy, giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế, đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế, tạo đột phá, sức bật phát triển kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng. Có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.

Thực tế cũng cho thấy, nơi nào càng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, thuận tiện, tính kết nối cao và mất ít thời gian di chuyển từ vùng này sang vùng khác thì kinh tế càng tăng trưởng nhanh và “sức hút” của địa phương đó càng mạnh. Vậy nên, với phương châm “giao thông đi trước mở đường” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn và đang tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX cũng đã xác định đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trong những năm qua, Bình Định đã xác định rõ mục tiêu tập trung đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, đảm bảo tính kết nối vùng, liên vùng, mở rộng không gian đô thị. Đồng thời, góp phần đưa tỉnh Bình Định trong 5 năm tới nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của khu vực miền Trung.

Điều này được thể hiện trong giai đoạn 2021 – 2025, vốn đầu tư ngân sách dành cho lĩnh vực giao thông khá lớn (13.823,513 tỷ đồng, chiểm 32,6%) trong tổng vốn đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của tỉnh.

Kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư hoàn thiện, kết nối tương đối liên hoàn, bao gồm đủ cả 05 loại hình đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, giúp kết nối thuận lợi với cả nước và các nước trong khu vực; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh, tạo diện mạo mới cho đô thị và nông thôn trên địa bàn.

Một số dự án quan trọng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Đường vào sân bay Phù Cát, đường vào ga Diêu Trì, Tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội, Tuyến Quốc lộ 19 đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao với QL 1A, Đường phía Tây tỉnh (ĐT639B), đoạn Km130- Km143+787; đường ven biển ĐT.639 mới (các đoạn: Cát Tiến – Mỹ Thành, Lại Giang – Thiện Chánh)…

Bên cạnh đó, Bình Định tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải phóng mặt bằng thi công các công trình, dự án: Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh; đường ven biển (đoạn từ Quốc lộ 1D – Quốc lộ 19 mới; đoạn Điện Biên Phủ nối dài – Diêm Vân; đoạn Cát Tiến – Diêm Vân và đoạn Mỹ Thành – Lại Giang); tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; tuyến đường tránh ĐT.633, đoạn từ Núi Ghềnh đến giáp đường ven biển (ĐT.639); các tuyến đường địa phương kết nối với đường ven biển; các tuyến đường kết nối đến Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng tuyến cao tốc và Trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng chuẩn bị đầu tư dự án Đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát, dự án mở rộng cảng Quy Nhơn; rà soát, bổ sung một số cảng biển, khu bến cảng trên địa bàn tỉnh Bình Định vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050…

Như vậy có thể thấy, việc đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng sẽ cho phép tỉnh Bình Định quy hoạch không gian phát triển mới cho đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tạo hành lang vận tải quan trọng nối cảng biển Quy Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát với các vùng, miền trong cả nước. Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Định sẽ quy hoạch một không gian phát triển mới cho tỉnh để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PV: Hạ tầng giao thông tốt được đầu tư bài bản sẽ tạo đà cho Bình Định thu hút những lĩnh vực nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Tôi cho rằng, hạ tầng giao thông có sứ mệnh đi trước “mở đường” để khai mở nền kinh tế, tạo động lực để thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, kết nối mang lại lợi ích cho nhiều ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh, có thể kể đến như:

Thứ nhất, lĩnh vực Nông, lâm nghiệp – thủy sản: Các Nhà máy chế biến gia súc, gia cầm; chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng; chế biến thủy sản; chế biến Nông, lâm sản…

Thứ hai, lĩnh vực Công nghiệp: Hạ tầng các Khu, Cụm Công nghiệp, các nhà máy sản xuất linh kiện, sản xuất và lắp ráp ô tô; sản xuất động cơ điện chuyên dùng; sản xuất dây và cáp điện, thiết bị và phụ kiện điện; sản xuất mặt hàng thời trang và sản phẩm da giày cao cấp; Trung tâm sản xuất phầm mềm, Trung tâm dữ liệu (Big Data) và các dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…)…

Thứ ba, lĩnh vực dịch vụ cảng và logistics: Cảng nước sâu, Trung tâm logistics Phù Mỹ, cảng cạn ICD, logistics Vân Canh và Tuy Phước….

Thứ tư, lĩnh vực Du lịch: Khu du lịch Tân Thanh, huyện Phù Cát; Khu vui chơi giải trí Night Paradise Nhơn Hội; Khu du lịch Eo Vượt; Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại; Khu khách sạn cao cấp K200 đều thuộc TP. Quy Nhơn, Sân golf Tây Sơn, Khu du lịch sinh thái trải nghiệm Vĩnh Sơn; Khu du lịch sinh thái huyện Vĩnh Thạnh…

Thứ năm, lĩnh vực Kinh tế đô thị: Khu đô thị Nam Đề Gi và Bắc Đề Gi; các khu đô thị phía Đông Đầm Thị Nại, TP. Quy Nhơn…

Xây dựng hệ thống đô thị cả “chiều rộng” lẫn “chiều sâu”

PV: Bên cạnh đẩy mạnh hạ tầng thì công tác quy hoạch và phát triển đô thị ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Trong thời gian qua, hệ thống đô thị của Bình Định ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng cả về “chiều rộng” lẫn “chiều sâu”.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm và chỉ đạo thường xuyên.

Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch, chương trình như: Khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), phát triển đô thị thông minh; Ban hành Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2030; ban hành các Chương trình phát triển đô thị Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn, Phú Phong…

Tỉnh Bình Định cũng đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2023 – 2030 với mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Từ đó, tỉnh sẽ hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Việc xây dựng không gian xanh công cộng đô thị gắn với mặt nước tự nhiên, hồ, sông, biển luôn được quan tâm thực hiện sẽ giúp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về cảnh quan.

Một số khu vực, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh đang được xây dựng, hình thành như: Khu đô thị mới Long Vân, Khu đô thị Đại Phú Gia, An Phú Thịnh, các khu vực Công viên ven biển đường Xuân Diệu, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Quảng trường Chiến Thắng, Công viên dọc đường An Dương Vương… đã tạo diện mạo mới, khang trang, hiện đại, đóng góp cho sự phát triển của đô thị.

PV: Vâng! với sự bứt phá nhanh về hạ tầng lẫn đô thị, Bình Định đã và đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp chất lượng “đổ về”. Vậy tỉnh đã có những kế hoạch chuẩn bị như thế nào?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Để sẵn sàng cho việc thu hút dự án mới, thời gian qua, trong công tác xúc tiến đầu tư, chúng tôi linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến, mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt của tỉnh.

Cụ thể, chúng tôi đã tổ xúc tiến đầu tư tại các nước có nền kinh tế lớn như: Nhật Bản, Đức, Thái Lan, Hàn Quốc, Italia,… Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục công tác xúc tiến đầu tư đối với các thị trường như: Hoa Kỳ, Canada, Israel…

Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và tình hình thu hút đầu tư, đặc điểm của từng địa phương, chúng tôi xây dựng Danh mục các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh cho giai đoạn 2023 – 2025. Danh mục mời gọi đầu tư được xây dựng phù hợp với nhu cầu đầu tư, phù hợp quy hoạch phát triển chung của tỉnh và sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế và áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định.

Thực tế, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngày 26/6/2023 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã tổ chức gặp và đối thoại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023, với trên gần 400 doanh nghiệp của tỉnh tham dự. Tại đây, tỉnh cũng đã công bố triển khai Đường dây nóng nhằm kịp thời tư vấn, giải đáp những vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nhờ đó, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tính đến nay rất khả quan. Tính đến 15/9/2023, toàn tỉnh thu hút mới 64 dự án (60 dự án trong nước, 4 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 14.204,877 tỷ đồng, (64/60 dự án, đạt 105% so với kế hoạch cả năm 2023), thực hiện điều chỉnh 58 dự án với vốn tăng thêm 3.770,851 tỷ đồng.

Những kết quả đạt được kể trên rất đáng khích lệ và chúng tôi sẽ quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư để tỉnh Bình Định bứt phá hơn nữa.

Động lực mới thúc đẩy cho thị trường bất động sản đi lên

PV: Có phải nhờ cú hích về sự phát triển đồng bộ nhanh và mạnh của tỉnh trong gian qua nên cũng giúp cho thị trường bất động sản tăng nhanh về giá và độ nóng?

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Việc tăng tốc giải ngân đầu tư công, phát triển hạ tầng giao thông, cùng sự xuất hiện của các đại đô thị, cũng chính là “cơn gió lớn” thúc đẩy cho thị trường bất động sản đi lên.

Trong những năm gần đây, bất động sản Bình Định đã trở thành điểm đến của giới bất động sản. Nhiều chủ đầu tư đã quyết định rót vốn phát triển dự án lớn, có quy mô hàng nghìn tỷ, điển hình như: Khu dân cư Hưng Thịnh; Khu đô thị An Phú Thịnh; Khu đô thị mới khu vực Chợ Góc (CG01); Khu dân cư Ánh Việt; Trung tâm trí tuệ nhân tạo – đô thị phụ trợ (TP. Quy Nhơn); Khu đô thị NĐT-1 Tây đường Quốc lộ 19 (mới)….

Tôi cho rằng, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong “hệ sinh thái” kinh tế và liên quan trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế như: công nghiệp xây dựng, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng…; Ngoài ra, còn tác động đến chuỗi sản xuất như: Vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động,…ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, an sinh xã hội, việc làm.

Vậy nên, quản lý và phát triển tốt thị trường bất động sản sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, huy động nguồn nội lực to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan như: Sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế chung của thế giới, dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm, thanh khoản thấp.

Với những lợi thế và tiềm năng lớn vừa có biển vừa có những bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông – đô thi, thị trường bất động sản tại tỉnh Bình Định cũng không ít lần đối mặt với những cơn “sóng ngầm” gây nhiễu loạn, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022 – sốt đất lan rộng trên cả nước.

Để đảm bảo phát triển thị trường bất động sản của tỉnh ổn định, lành mạnh và bền vững UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 31/05/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tiếp tục tham mưu, thực hiện tốt công tác thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu phát triển của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh đã cho rà soát tổng thể danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn, đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để triển khai theo quy định.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đầu tư; giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án khu đô thị, dân cư, nhà ở; quản lý, theo dõi hoạt động của các dự án từ khâu chấp thuận đầu tư, triển khai thực hiện dự án và thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Mặt khác, tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tập trung tổ chức thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhất là tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, nhằm tạo quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Chỉ đạo thực hiện công khai thông tin quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án khu đô thị, dự án nhà ở, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án có quy mô lớn để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp; khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, thổi giá gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!