Gần 2 tỷ USD vốn FDI đổ vào bất động sản trong 5 tháng
Tổng vốn đầu tư FDI vào ngành bất động sản trong 5 tháng đạt gần 1,98 tỷ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng.
Vốn FDI vào bất động sản tăng mạnh
Tính đến 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính lũy kế đến ngày 20/5, cả nước có 40.285 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 481,33 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 305,43 tỷ USD, bằng gần 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Vốn FDI vào bất động sản đạt gần 2 tỷ USD (Ảnh: Trần Kháng).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Theo đó, tổng vốn đầu tư vào ngành này đạt hơn 7,43 tỷ USD, chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 11,9% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,98 tỷ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 514,2 triệu USD và gần 342,2 triệu USD.
Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số lượng dự án mới khi chiếm 35,9% trong tổng số dự án và điều chỉnh vốn (chiếm 62,3%).
Ngành bán buôn, bán lẻ tiếp tục dẫn đầu về số lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần khi chiếm tỷ trọng 43,4%.
Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới
Số liệu cho thấy đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,25 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 2 với gần 1,45 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc.
Riêng 5 đối tác dẫn đầu đã chiếm tới 73% số dự án đầu tư mới và 73,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Đáng chú ý, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,1%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 26,3%).
Theo Dân Trí