Bình Định: Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng - đột phá cho sự phát triển

menu

Đóng

Bình Định: Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng - đột phá cho sự phát triển

Bình Định được đánh giá là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, được xem là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Bình Định hội tụ đủ các yếu tố để trở thành một trung tâm kinh tế lớn trong tương lai khi có cảng biển, sân bay, các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ, cao tốc, đường ven biển, các tuyến đường kết nối với khu vực Tây Nguyên… cùng với đó là tầm nhìn, định hướng phát triển đúng đắn trong thời đại mới…

Với tiềm năng và vị thế đó, nhiều năm qua, Bình Định rất chú trọng xây dựng các yếu tố để trở thành nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư như hệ thống cơ sở hạ tầng, khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng

Trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Định xác định kết cấu hạ tầng là yếu tố đầu tiên trong 3 đột phá phát triển của tỉnh. Theo đó, Bình Định sẽ triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng này của tỉnh. Hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng, kết nối với Cảng hàng không Phù Cát, Cảng Quy Nhơn. Đồng thời, chú trọng nâng cấp, phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nhất là các đô thị trung tâm và khu kinh tế động lực của tỉnh.

anh-2-2.jpgBình Định dần trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư

Năm 2023, Bình Định đã thu hút được 6 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư là 46,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 5 dự án với tổng vốn điều chỉnh tăng 46,5 triệu USD. Lũy kế, toàn tỉnh có 91 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,19 tỷ USD, qua đó giải quyết số lượng lớn lao động địa phương và thu hút lực lượng lao động chất lượng cao làm việc tại tỉnh. Về đầu tư trong nước, trong năm 2023, toàn tỉnh thu hút mới 69 dự án với tổng vốn đăng ký 13.709 tỷ đồng. Nếu tính riêng các dự án sản xuất công nghiệp, năm 2023 đã thu hút được 49 dự án với tổng vốn đăng ký trên 6.515 tỷ đồng, tăng 44,1% về tổng số dự án và tăng 132,7% về tổng vốn đăng ký…

Hạ tầng giao thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài việc tạo liên kết các vùng kinh tế, liên kết giữa Bình Định với các địa phương khác thì hệ thống giao thông cũng là hành lang kinh tế quan trọng của tỉnh. Cụ thể, hành lang kinh tế Bắc Nam (dọc theo Quốc lộ 1); hành lang kinh tế biển (dọc theo tuyến đường bộ ven biển – ĐT.639), hành lang kinh tế Đông Tây (dọc theo các tuyến giao thông Đông Tây của Quốc lộ 19). Thời gian đến, Bình Định sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống đường tỉnh kết nối các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ đến các khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ trọng điểm, đường vào khu, cụm công nghiệp tạo nên mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh liên hoàn liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa đô thị và nông thôn và kết nối với các tỉnh lân cận. Quy hoạch đầu tư nâng cấp, xây dựng mới tuyến đường phía Tây của tỉnh. Từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ hóa các trục giao thông, nút giao thông đô thị, hiện đại hóa mạng lưới đường nội thị gắn với chỉnh trang đô thị, kết hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.

Cảng hàng không Phù Cát sẽ được đầu tư mới nhà ga, mở rộng sân đỗ, xây dựng thêm đường cất hạ cánh thứ 2 và các đường lăn phù hợp với quy hoạch. Nghiên cứu khả năng phát triển Cảng hàng không Phù Cát đến năm 2030 là Cảng hàng không cấp 4E (công suất 5 triệu hành khách/năm, 12.000 tấn hàng hóa/năm) và chuyển thành cảng hàng không quốc tế khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các bến cảng thuộc các khu bến Quy Nhơn – Thị Nại – Đống Đa, khu bến Nhơn Hội và các bến phao (hàng lỏng) tại Quy Nhơn sẽ được di dời phù hợp với tiến trình mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch. Nghiên cứu định hướng điều chỉnh tách Bến cảng Phù Mỹ thành 2 khu bến bao gồm: khu bến Phù Mỹ tại xã Mỹ An, Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ và khu bến Hoài Nhơn tại thị xã Hoài Nhơn.

Về phát triển khu công nghiệp, đến năm 2030, Bình Định đặt ra chỉ tiêu toàn tỉnh có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.714ha. Thời gian đến, Bình Định sẽ đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tăng tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp. Tập trung hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động và mở rộng Khu công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ Becamex – VSIP Bình Định, hình thành vành đai công nghiệp Vân Canh – An Nhơn – Phù Cát, phát triển Khu công nghiệp điện tử, bán dẫn Hoà Hội và Khu công nghiệp Cát Trinh gắn với đô thị sân bay Phù Cát, mở rộng Khu công nghiệp Hòa Hội. Đầu tư xây dựng mới Khu công nghiệp Tây Giang; Khu công nghiệp phía Nam Quốc lộ 19; Khu công nghiệp Phù Mỹ; Khu công nghiệp Hoài Mỹ; Khu công nghiệp Vân Canh và tại các địa phương khác khi có điều kiện. Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, thiết kế các khu chức năng linh hoạt để có thể tăng cơ hội chia sẻ nguồn lực, tạo điều kiện nâng cao tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp…

Giao thông “đi trước mở đường”

Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, quan điểm của tỉnh là không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện một số nội dung đột phá như khẩn trương hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong chiến lược phát triển của mình, Bình Định lựa chọn giao thông “đi trước mở đường”, cũng chính là chìa khóa tạo nên sự thành công phát triển kinh tế của tỉnh.

anh-1-3.jpgHoàn thiện hạ tầng tạo đột phá cho sự phát triển của tỉnh Bình Định

Tỉnh đã đưa những nội dung quan trọng liên kết vùng vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, như ưu tiên dành nguồn lực quy hoạch xây dựng đường ven biển, đường cao tốc, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của vùng, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên. Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc – Nam và hệ thống đường ngang Đông – Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh của vùng với vùng Tây Nguyên, trong đó cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là trục cao tốc có tính chất đặc biệt quan trọng cả về mặt quốc phòng và mặt kinh tế, phát huy lợi thế về vị trí địa kinh tế tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng Tây Nguyên. Tỉnh cũng đang nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm Cảng Quy Nhơn; quy hoạch và bổ sung các cảng biển nước sâu quy mô lớn ở khu vực phía Bắc tỉnh. Đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát từng bước thành cảng hàng không quốc tế.

Về hạ tầng công nghiệp, hiện Bình Định đã đã đầu tư nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch, mỗi năm chuẩn bị từ 20 – 30ha, dọc theo các tuyến đường kết nối Đông – Tây, đường ven biển để sẵn sàng cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đồng thời tỉnh đã sẵn sàng các khung giá hấp dẫn với các nhà đầu tư. Nhiều khu công nghiệp có mức giá thuê hạ tầng tại khoản 25 – 60USD/m2/50 năm, thấp hơn nhiều so với một số khu công nghiệp khác trên cả nước,..

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cam kết nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của Chính phủ về tiền thuê đất, thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu… Nhà đầu tư sẽ được đầu tư hoàn thiện hạ tầng điện, nước, giao thông, viễn thông đến tận khu vực dự án. Cam kết nhà đầu tư sẽ được giải quyết vướng mắc nhanh nhất thông qua đường dây nóng và Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh với hình thức xử lý online ngay khi nhận thông tin và họp trực tiếp thường kỳ…

Theo Tài nguyên môi trường