Bình Dương chi 20.000 tỷ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đà lên TP trực thuộc Trung ương

menu

Đóng

Bình Dương chi 20.000 tỷ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đà lên TP trực thuộc Trung ương

Việc đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh này sẽ huy động từ nhiều nguồn vốn, tạo đà phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Ngày 19/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Đây được xem là nền tảng để Bình Dương khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế chiến lược của vùng Đông Nam Bộ và hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh sẽ triển khai 37 nhiệm vụ trọng yếu với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng, huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau, bao gồm đấu giá đất và kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân. Các nguồn vốn này sẽ được sử dụng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Đến năm 2050, Bình Dương đặt mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 15.000 USD/năm. Tuy nhiên, theo các lãnh đạo tỉnh, việc đạt được mục tiêu này không hề đơn giản do tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn vốn đầu tư và điều tiết ngân sách. Hiện tại, Bình Dương chỉ được giữ lại 33% nguồn thu nội địa, trong khi phải điều tiết 67% về Trung ương, gây áp lực lớn lên ngân sách địa phương.

 

Bình Dương chi 20.000 tỷ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đà lên TP trực thuộc Trung ương
Một góc tỉnh Bình Dương

 

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, quy hoạch tỉnh được xây dựng dựa trên các nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ, đồng thời tham vấn ý kiến từ nhiều chuyên gia đầu ngành. Quy hoạch phát triển tập trung vào 6 trụ cột chính, theo mô hình cấu trúc chiến lược gồm: 1 trụ cột phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển.

Mô hình này nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, đa dạng hóa nguồn lực phát triển và tăng cường kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả 37 nhiệm vụ trọng yếu của quy hoạch tỉnh.

Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện quan trọng, bao gồm khánh thành cầu Bạch Đằng 2, nối liền Bình Dương với Đồng Nai, và lễ khởi công các dự án trọng điểm như vòng xoay A1 và Khu công nghiệp Cây Trường, huyện Bàu Bàng.

Theo ước tính, các sự kiện này dự kiến thu hút khoảng 1.000 đại biểu, trong đó có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương, cùng hơn 400 gian hàng triển lãm quốc tế. Đây là cơ hội để Bình Dương khẳng định vai trò là trung tâm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững, đồng thời tạo động lực để tỉnh tiến tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Một trong những dự án quan trọng của tỉnh là Khu công nghiệp Cây Trường, do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư, với quy mô lên đến 700ha. Dự án dự kiến tạo việc làm cho 35.000 lao động và tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Khu công nghiệp này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu di dời nhà máy từ các khu vực phía Nam lên Bình Dương. Việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp không chỉ giúp tỉnh mở rộng quỹ đất phục vụ phát triển mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dựa vào các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 thì tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với mức GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm.

Theo Người Quan Sát