Bình Dương phát triển hạ tầng, khu công nghiệp xanh sẵn sàng cho bước tiến mới
Tỉnh Bình Dương nhiều năm qua đã chú trọng vào phát triển hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, sẵn sàng cho bước tiến mới về kinh tế – xã hội.
Nhiều năm qua, Bình Dương đã chú trọng vào phát triển hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ
Xác định việc phát triển hạ tầng giao thông là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nhiều năm qua Bình Dương dồn lực xây dựng nhiều dự án giao thông quan trọng kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực.
Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, tích hợp vào các trục đường chính như Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, ĐT743, ĐT746, Quốc lộ 13… tạo nên mạng lưới giao thông kết nối hệ thống khu công nghiệp (KCN) tới các cảng biển, sân bay quốc tế, kiến tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh, củng cố thêm lợi thế cạnh tranh cho Bình Dương.
Để sẵn sàng cho bước tiến mới về kinh tế – xã hội, năm 2025 Bình Dương sẽ khởi công thêm nhiều dự án giao thông trọng điểm như dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Đây là dự án giao thông trọng điểm của khu vực, kết nối Đông Nam bộ với Tây nguyên. Dự án này có vai trò chiến lược khi kết nối với cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, góp phần hình thành mạng lưới giao thông liên vùng, rút ngắn khoảng cách giữa Đông Nam bộ và Tây nguyên, thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho Bình Dương mà còn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Tây nguyên. Tuyến cao tốc này còn mở ra cơ hội phát triển đô thị, thương mại và dịch vụ dọc theo trục đường.
Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore đã trở thành mô hình phát triển kiểu mẫu tại Bình Dương và lan tỏa ra nhiều địa phương trong cả nước
Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, Bình Dương tiếp tục đẩy nhanh công tác xây dựng, phát triển các KCN theo hướng xanh, thông minh và thân thiện với môi trường.
Theo đó, các KCN sẽ được phát triển đan xen với các khu đô thị dành cho chuyên gia và các khu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.
Những hệ sinh thái công nghiệp – đô thị này tạo ra sự bình đẳng về thụ hưởng hạ tầng xã hội, hệ thống y tế và giáo dục cho mọi tầng lớp trong xã hội. Điển hình như KCN Việt Nam – Singapore đã trở thành mô hình phát triển kiểu mẫu tại Bình Dương và lan tỏa ra nhiều địa phương trong cả nước.
Ngoài ra, Bình Dương đã triển khai xây dựng Đề án vùng đổi mới sáng tạo, trong đó xây dựng KCN khoa học – công nghệ tại huyện Bàu Bàng hướng đến nền sản xuất xanh, thông minh.
Đến nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư vào Bình Dương, như Tokyu, Aeon, Mitsubishi (Nhật Bản), Procter&Gamble (Hoa Kỳ), Kumho, Daewoo E&C (Hàn Quốc), Lego, Pandora (Đan Mạch), Sembcorp, Capitaland, Mapletree (Singapore)… Ông Jung Wonju, Chủ tịch Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc), cho biết Công ty TNHH Daewoo E&C đang thực hiện nghiên cứu và khảo sát thị trường cho các dự án phát triển bất động sản, đô thị tiềm năng và tìm kiếm các khả năng của việc đầu tư vào những lĩnh vực khác như xây dựng, phát triển hạ tầng, giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư vào Bình Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, những năm qua Bình Dương luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng các KCN. Tỉnh đang chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chủ động đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mới.
Trong năm 2025, Bình Dương tiếp tục tăng cường đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế đêm. Đồng thời, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và các ngành tiềm năng như chất bán dẫn, đổi mới sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Cùng với đó, Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp gắn với hạ tầng đô thị và hội nhập quốc tế để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, thu hút đầu tư vào công nghệ cao như chip bán dẫn, năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo; phát triển mạng lưới KCN phù hợp, đặc biệt là KCN xanh, sinh thái, tăng nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bình Dương cũng ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, hình thành hệ sinh thái kinh tế trọng điểm…
Theo Daibieunhandan.vn