Việt - Mỹ: Ký hợp đồng thương mại 94 tỷ USD, đàm phán thêm 36 tỷ USD

menu

Đóng

Việt - Mỹ: Ký hợp đồng thương mại 94 tỷ USD, đàm phán thêm 36 tỷ USD

Theo Dragon Capital, tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị các thỏa thuận thương mại giữa hai nước đã đạt 90,3 tỷ USD. Vào ngày 13/3, Việt Nam tiếp tục ký kết thêm một thỏa thuận trị giá 4,15 tỷ USD, đồng thời đang đàm phán các hợp đồng khác với tổng giá trị 36 tỷ USD.

Bù đắp bằng kinh tế nội địa

Trước việc Mỹ dự kiến áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu Dragon Capital Việt Nam nhận định, tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn. Mức thuế cao có thể làm gia tăng chi phí xuất khẩu, khiến Việt Nam gặp bất lợi so với các quốc gia có ưu đãi thương mại tốt hơn, dẫn đến nguy cơ dịch chuyển đơn hàng sang các thị trường khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Dragon Capital, Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của chính sách thuế quan. Trong đó, đáng chú ý là việc thúc đẩy các giao dịch kinh tế và ký kết trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực mà nước này có lợi thế cạnh tranh, bao gồm năng lượng, hàng không và nông nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị các thỏa thuận thương mại giữa hai nước đã đạt 90,3 tỷ USD. Trong đó, các hợp đồng thực tế sẽ được triển khai từ năm 2025 lên đến 50 tỷ USD. Gần đây, vào ngày 13/3, Việt Nam tiếp tục ký kết thêm một thỏa thuận trị giá 4,15 tỷ USD, đồng thời đang đàm phán các hợp đồng khác với tổng giá trị 36 tỷ USD.

Những con số này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc chủ động đàm phán với Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng thực hiện các chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Mỹ, bao gồm LNG, ô tô và một số sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Dragon Capital nhận định rằng Việt Nam sẽ cần triển khai mạnh mẽ hơn các biện pháp kiểm soát hàng hóa có nguy cơ trung chuyển từ Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như một số mặt hàng tôn mạ.

Tôi cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo hộ và giám sát chặt chẽ các mặt hàng có khả năng trung chuyển từ Trung Quốc”, bà Đặng Nguyệt Minh dự báo.

Ngoài các biện pháp kinh tế, Việt Nam cũng sử dụng các đòn bẩy phi thương mại để hỗ trợ đàm phán. Chính phủ đã thể hiện sự linh hoạt trong chính sách ngoại hối, cho phép Starlink hoạt động tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các cơ quan kinh tế của Mỹ nhằm gia tăng thương mại song phương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ với các tập đoàn như NVIDIA và Qualcomm để thu hút đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Theo bà Đặng Nguyệt Minh, dù tác động từ chính sách thuế của Mỹ là rất lớn, nhưng điều chắc chắn là khi nền kinh tế đối diện với cú sốc từ bên ngoài, các chính sách kinh tế nội địa sẽ được triển khai để bù đắp. Chính phủ có thể tăng cường đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa hoặc thực hiện các biện pháp về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Lấy ví dụ từ Hàn Quốc, ngay trong sáng nay, Chính phủ nước này đã công bố các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành công nghiệp và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách của Mỹ. Dragon Capital dự báo Việt Nam cũng sẽ có những động thái tương tự trong thời gian tới.

Kỳ vọng đàm phán giảm mức thuế xuống 15 – 25%

Với mức thuế 46% áp lên phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, Dragon Capital ước tính tác động lên GDP có thể đạt từ 1,4% đến 2% trong kịch bản xấu nhất.

Ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, Giám đốc Nghiệp vụ Cấp cao lĩnh vực chứng khoán, cho rằng mức thuế 46% này Mỹ đưa ra để thương lượng. Việt Nam đã cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang Mỹ để đàm phán.

“Dù vậy, chúng tôi tin rằng, bất kể kết quả ra sao, Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Đây mới là động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam trong 5 – 10 năm tới, chứ không phải xuất khẩu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Hiện nay, xuất khẩu chỉ đóng góp dưới 10% GDP của Việt Nam, trong khi tiêu dùng cá nhân và đầu tư công chiếm đến 90%. Do đó, theo ông Tuấn, Việt Nam cần tập trung phát triển mạnh hơn hai yếu tố này để bù đắp sự suy giảm từ thương mại.

Về tác động đối với dòng vốn FDI, bà Đặng Nguyệt Minh nhận định rằng ngoài những biện pháp từ Chính phủ, đầu tư vào bất động sản từ khu vực FDI đang gia tăng mạnh mẽ. Hiện nay, giải ngân FDI vào bất động sản đang ở mức cao nhất so với các ngành khác.

“Chúng ta có thể thấy rõ điều này thông qua các giao dịch lớn của nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore với Vingroup trên sàn chứng khoán. Với việc Chính phủ đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản, cùng với nhu cầu lớn của thị trường, lĩnh vực này có thể phần nào giảm bớt tác động tiêu cực từ sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất”, bà Minh cho biết.

Về thị trường chứng khoán, Dragon Capital cho rằng phản ứng tiêu cực gần đây phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước các thông tin về chính sách thuế. Tuy nhiên, đây chỉ là tác động mang tính tạm thời. Sau một khoảng thời gian, thị trường sẽ quay lại xu hướng chung là tăng trưởng, phù hợp với đà phục hồi của nền kinh tế.

 

Theo Vietnam Finance