TPHCM: Đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách trong đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng
UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin nhằm lập danh sách đề nghị cấm chỉ định thầu đối với các nhà thầu thi công, tư vấn xây dựng không đảm bảo năng lực….
Đặc biệt, TPHCM lưu ý những doanh nghiệp có lịch sử gây chậm trễ tiến độ thực hiện do lỗi chủ quan của nhà thầu đối với nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách (trên 3 dự án); nâng cấp hệ thống thông tin nghiệp vụ nhằm hỗ trợ chủ đầu tư cập nhật thông tin dự án lên hệ thống hiệu quả, tránh bị nghẽn mạng, chập chờn trong quá trình nhập dữ liệu;
Nâng cấp, xây dựng hệ thống thông tin nghiệp vụ (hệ thống thông tin dự án sử dụng vốn nhà nước) hỗ trợ các đơn vị, địa phương tự trích xuất tất cả các thông tin dự án của địa phương, đơn vị; nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống thông tin nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu thực hiện phân quyền cho các cơ quan chủ quản, cơ quan đầu mối về giám sát, đánh giá đầu tư trong việc theo dõi báo cáo giám sát của các chủ đầu tư, chủ chương trình, chủ dự án.
UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ bổ sung nội dung báo cáo về danh mục các dự án dự kiến sẽ kiểm tra, đánh giá trong kỳ tiếp theo vào hệ thống thông tin nghiệp vụ để các chủ đầu tư báo cáo các nội dung, số liệu; ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 22/2010/TT-BKH ngày 2/12/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư hoặc hướng dẫn việc xác định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư;
Tổ chức thêm các khóa đào tạo về công tác quản lý dự án để các chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nâng cao năng lực quản lý điều hành dự án; xây dựng dự thảo Luật PPP theo hướng cho phép nhà đầu tư được tự đề xuất giá sử dụng dịch vụ với phương châm “lời ăn lỗ chịu”, ngân sách TPHCM không cấp bù trong trường hợp dự án thua lỗ; bổ sung 1 trường hợp phải thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án đầu tư sử dụng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản nhằm tăng cường công tác quản lý đối với các dự án có sử dụng đất cũng như thống nhất với quy định của Luật kinh doanh bất động sản về thủ tục việc chuyển nhượng dự án bất động sản.
Ngoài ra, Bộ cũng cần quy định việc nhà đầu tư nước ngoài sau khi thành lập tổ chức kinh tế và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì liên hệ cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, thông tin về nhà đầu tư ghi nhận tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ là thông tin của tổ chức kinh tế vừa được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…
Đối với việc chuyển tiếp cho các trường hợp dự án được chấp thuận chủ trương trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, TP đề xuất quy định thêm điều kiện chuyển tiếp, cho phép nhà đầu tư tiếp tục hoàn thành 100% việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trên cơ sở tự thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất để làm cơ sở được chấp thuận chủ trương đầu tư.
UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ TPHCM trong việc vận động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và môi trường có quy mô đầu tư lớn như: dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TPHCM (lưu vực Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên), dự án cải tạo hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, tuyến Bên Thành – Bến xe Miền Tây.
Theo CafeF
Link: https://cafef.vn/tphcm-de-xuat-doi-moi-co-che-chinh-sach-trong-dau-tu-cac-du-an-co-so-ha-tang-20200312142911963.chn