Công bố Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2019

menu

Đóng

Công bố Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2019

Ngày 21/6/2019, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chính thức công bố Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2019.

Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Uy tín của các doanh nghiệp niêm yết được xây dựng dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia tài chính – chứng khoán, cụ thể bao gồm: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận…); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát chuyên gia đánh giá các cổ phiếu tiêu biểu hấp dẫn đầu tư; Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 6/2019 về thực trạng hoạt động và kế hoạch đầu tư trong năm 2019…

Danh sách Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2019 – Nhóm cổ phiếu Blue chip

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 doanh nghiệp niêm yết uy tín 2019, tháng 6/2019

 

Danh sách Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2019 – Nhóm cổ phiếu Mid cap

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 doanh nghiệp niêm yết uy tín 2019, tháng 6/2019

Diễn biến chung của thị trường chứng khoán 2018 – 2019

Năm 2018 được đánh giá là một năm đầy “thăng trầm” của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. VN-Index tiếp đà tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm 2018 để đạt mức cao kỷ lục 1.204,3 điểm vào ngày 9/4/2018. Tuy nhiên, thị trường không thể giữ được “sức bền” và kết thúc năm ở mức 892,54 điểm; giảm 25,8% so với mức đỉnh và 9,3% so với cuối năm 2017, ghi nhận năm giảm điểm đầu tiên kể từ năm 2011. Tương tự, chỉ số HNX-Index kết thúc năm ở mức 104,2 điểm, giảm 11%, chỉ số UPCOM-Index đóng cửa ở mức 52,8 điểm, giảm 4% so với cuối năm 2017.

Thị trường trong năm 2019 có nhiều biến động hơn 2018 do các yếu tố trong và ngoài nước. Thị trường sẽ tiếp tục biến động trước các thông tin từ quốc tế như cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ kéo dài, triển vọng tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu cùng làn sóng bán tháo ngắn hạn trên nhiều thị trường, giá dầu có xu hướng biến động mạnh trong nửa cuối năm 2019 do khả năng duy trì cắt giảm sản lượng của OPEC+ và rủi ro xung đột thương mại lan ra toàn cầu.

Tâm lý lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu cùng rủi ro thương mại tiếp tục leo thang sẽ khiến thị trường trong nước và khu vực có những phiên biến động ngắn hạn, thanh khoản rơi vào mức thấp. Tuy nhiên dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào TTCK Việt Nam cùng kỳ vọng nâng hạng thị trường trong 2020 và dự thảo Luật chứng khoán mới sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho sự tăng trưởng và ổn định của thị trường.

Vốn hóa TTCK Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ trong năm 2019, đặc biệt là sàn HSX và UPCOM. Vốn hóa sàn HSX đã tăng lên mức kỷ lục khi đạt 3,228 nghìn tỷ đồng cuối tháng 5. Sàn UPCOM tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng vốn hóa mạnh mẽ khi tăng lên mức đỉnh lịch sử 1.020 nghìn tỷ đồng cuối tháng 3. Sàn HNX tiếp tục đà suy giảm và đạt 184 nghìn tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017.

Dòng vốn ngoại tiếp tục duy trì ở mức tích cực trên sàn HSX và UPCOM. Dòng vốn ngoại tiếp tục được duy trì tích cực trên HSX và UPCOM trong 5 tháng đầu năm 2019 với mức mua ròng lần lượt là 9.659 và 394 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HNX trong 5 tháng đầu năm ở mức 292 tỷ đồng.

Dự báo xu hướng đầu tư chứng khoán trong năm 2019 – 2020

Các cổ phiếu blue chip tiếp tục giữ vai trò định hướng thị trường. Thời gian qua, các thương vụ bán vốn lớn thành công như Techcombank (0,9 tỷ USD), Vinhomes (1,35 tỷ USD), và gần nhất là Vingroup (1 tỷ USD), cùng các thương vụ thoái vốn nhà nước như Vinaconex (VCG), PVOIL (OIL) và PV Power (POW)… đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, duy trì dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường được dự đoán sẽ hình thành một đợt sóng mới với sự tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa trung bình (mid cap). Nền kinh tế Việt Nam, suy cho cùng, cũng được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Các doanh nghiệp niêm yết được dự đoán sẽ hưởng lợi nhiều nhất là các nhà phát triển khu công nghiệp (nhờ việc di dời các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam), các công ty hậu cần (logistics) và dệt may. Những lĩnh vực này đa phần được chi phối bởi các cái tên thuộc nhóm mid cap. Định giá của nhóm cổ phiếu mid cap đang ở mức rẻ, P/E ở mức 9,3 lần vào thời điểm cuối năm 2018.

Hình 1: Định giá P/E cổ phiếu giai đoạn 2009 – 2018.

Nguồn: Bloomberg, FiinPro, EVS

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, lợi ích của cuộc chiến thương mại cuối cùng sẽ chuyển sang các công ty bán lẻ – hàng tiêu dùng, các ngân hàng vốn hóa lớn và các nhà phát triển bất động sản khi lượng người nước ngoài làm việc và sinh sống tại Việt Nam gia tăng, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của tầng lớp trung lưu mới nổi.

Theo nhận định của các chuyên gia được khảo sát, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ – hàng tiêu dùng sẽ có tiềm năng hấp dẫn đầu tư nhất trong thời gian tới.

Hình 2: Top 5 ngành hấp dẫn đầu tư nhất trong năm 2019

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành tài chính – chứng khoán được thực hiện trong tháng 6/2019

Uy tín và hiệu ứng truyền thông ảnh hưởng đến giá trị của doanh nghiệp

Đối với các doanh nghiệp niêm yết, việc công bố thông tin thường xuyên là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo tính minh bạch trên thị trường chứng khoán. Khi đó, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông sẽ góp phần xây dựng uy tín doanh nghiệp, và được xem như yếu tố quan trọng có tác động đến tâm lý và xu hướng đầu tư, qua đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị của doanh nghiệp.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chuyên gia trong ngành tài chính – chứng khoán, những thông báo về thu nhập, lãi/ lỗ của một doanh nghiệp niêm yết sẽ gây ảnh hưởng lớn nhất đến giá giao dịch cổ phiếu (57,1% lựa chọn “ảnh hưởng rất nhiều” khi được yêu cầu đánh giá về mức độ ảnh hưởng của luồng thông tin “thông báo về thu nhập, lãi/ lỗ của công ty” đến giá cổ phiếu).

Hình 3: Mức độ ảnh hưởng của các luồng thông tin đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết (Đánh giá theo cấp độ ảnh hưởng tăng dần từ 1 đến 5)

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành tài chính – chứng khoán được thực hiện trong tháng 6/2019.

Thực tế truyền thông chỉ ra rằng, sự biến động thông tin thường tỷ lệ thuận với tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và kỳ vọng của các nhà đầu tư chứng khoán. Theo số liệu tổng hợp truyền thông của Vietnam Report, luồng thông tin tích cực có xu hướng giảm, tỷ lệ tin tiêu cực có chiều hướng gia tăng trong 2 tháng gần đây, trùng với thời điểm các doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh Quý 1 năm 2019. Theo số liệu tài chính thu thập được, số lượng doanh nghiệp báo cáo lãi Quý 1 chiếm khoảng 84%. Tính đến cuối tháng 4/2019, giá trị lợi nhuận sau thuế tuyệt đối đạt 31.347 tỷ, tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh Quý 1 cho thấy đà giảm tốc về tăng trưởng lợi nhuận, tuy nhiên sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết vẫn có thể duy trì mức tích cực trong năm 2019 nhờ việc các công ty đã thay đổi mục tiêu kế hoạch và chiến lược hoạt động kịp thời thích nghi với biến động của kinh tế và giảm thiểu hết mức có thể những tác động tiêu cực từ sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

Hình 4: Biến động tỷ lệ thông tin tích cực, tiêu cực theo từng tháng nghiên cứu của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp niêm yết trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2019

Theo đó, các chuyên gia tài chính – chứng khoán vẫn đặt kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ cải thiện bắt đầu từ Quý 3, và “về đích an toàn” vào cuối năm 2019. Tương ứng với đó, luồng thông tin tích cực được dự đoán sẽ tăng mạnh vào 2 tháng cuối năm.

Giải pháp hỗ trợ TTCK: Ưu tiên Luật chứng khoán sửa đổi

Luật chứng khoán sửa đổi là giải pháp “nóng nhất” và được mong chờ nhất trong thời gian tới theo khảo sát của Vietnam Report. Theo đó, 27,3% doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư và chuyên gia trong ngành cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trọng tâm xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của TTCK. Những sửa đổi, bổ sung trong Luật chứng khoán được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường trong nước tiếp tục hòa nhập theo tiêu chuẩn chung của TTCK khu vực và thế giới, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận TTCK Việt Nam hơn. Ngoài ra, sự cải thiện tính minh bạch, thống nhất các quy định cũng sẽ cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, tăng sức hấp dẫn cho TTCK Việt Nam.

Hình 5: Các giải pháp khuyến nghị ưu tiên để hỗ trợ tốt nhất cho thị trường chứng khoán

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành tài chính – chứng khoán được thực hiện trong tháng 6/2019

Nhìn chung, TTCK Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển nhờ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, sự hỗ trợ của Chính phủ, dòng vốn nước ngoài duy trì tích cực, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được cải thiện… Đối với TTCK Việt Nam, thông tin có vai trò rất quan trọng trong định hướng đầu tư. Do đó, để trở thành các cổ phiếu hấp dẫn, các doanh nghiệp niêm yết cần có chiến lược truyền thông hiệu quả, đảm bảo thông tin minh bạch, nhưng trong tầm kiểm soát để hạn chế tối đa các rủi ro truyền thông có thể xảy ra, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.

 

Bảng xếp hạng Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2019 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản – Xây dựng, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics…

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 05/2018 đến tháng 05/2019. Tổng số có 2.129 bài báo, tương ứng 4.530 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường… tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Nguồn Vietnam Report