Doanh nghiệp địa ốc niêm yết: Sáng sủa kết quả kinh doanh quý I

menu

Đóng

Doanh nghiệp địa ốc niêm yết: Sáng sủa kết quả kinh doanh quý I

(ĐTCK) Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp địa ốc niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2021, trong đó không ít doanh nghiệp gặp biến động về doanh thu và lợi nhuận, song bức tranh chung vẫn mang gam màu sáng.


Diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể tác động mạnh mẽ tới đà tăng trưởng của thị trường bất động sản. Ảnh: Dũng Minh

Doanh thu, lợi nhuận ở mức cao

Không có quá nhiều thay đổi, CTCP Vinhomes (mã VHM) vẫn dẫn đầu khối doanh nghiệp bất động sản niêm yết về doanh thu trong quý I/2021 với doanh thu thuần đạt 12.990 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, do không còn ghi nhận khoản doanh thu hoạt động tài chính lớn như cùng kỳ, nên lãi ròng trong kỳ của Vinhomes giảm 21%, về mức gần 5.400 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) công bố doanh thu thuần quý đầu năm 2021 giảm mạnh 43%, về mức 236 tỷ đồng do các dự án mới chưa đủ điều kiện ghi nhận. Tuy nhiên, nhờ 429 tỷ đồng lợi thế thương mại từ việc hợp nhất dự án Đồng Nai Waterfront (Izumi) sau khi mua thêm 30% cổ phần từ Keppel Land đã giúp lợi nhuận sau thuế trong kỳ tăng đột biến, lên mức hơn 365 tỷ đồng, tương đương tăng 3 lần so với ùng kỳ năm trước.

Một “ông lớn” khác là CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va – Novaland (mã NVL) công bố doanh thu thuần trong quý I/2021 tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 4.507 tỷ đồng, trong đó hơn 90% đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, kéo lợi nhuận sau thuế tăng gần 132% so với cùng kỳ, đạt 701 tỷ đồng.

Cũng ghi nhận lợi nhuận tăng bằng lần là CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (mã IJC), khi báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 vừa công bố của doanh nghiệp này cho thấy, biên lợi nhuận quý I/2021 tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, từ 14% lên 29%, giúp lợi nhuận gộp tăng gấp đôi, đạt gần 417 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận ròng quý đầu năm nay đạt hơn 292 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy lợi nhuận tăng trưởng cao, nhưng doanh thu thuần của IJC lại tăng thấp, chỉ 6% so với cùng kỳ 2020, đạt hơn 1.416 tỷ đồng, do hoạt động kinh doanh chính là bất động sản cũng chỉ tăng 5%, đạt gần 1.279 tỷ đồng.

Với CTCP Bất động sản Thế Kỷ – Cen Land (mã CRE), doanh nghiệp này ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2021 cao nhất trong lịch sử, đạt lần lượt 2.041 tỷ đồng và 122,6 tỉ đồng, tăng tương ứng 664% và 193% so với cùng kỳ năm 2020. Trong cơ cấu doanh thu của Cen Land, chiếm tỷ trọng lớn nhất là doanh thu đầu tư bất động sản với hơn 1.649 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt hơn 46 tỷ đồng; doanh thu môi giới đạt hơn 381 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) báo cáo lợi nhuận quý I/2021 đạt 251 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp việc doanh thu thuần giảm gần 7% về 586 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này chủ yếu đến từ việc bàn giao sản phẩm của dự án Nhơn Hội (Bình Định). Bên cạnh đó, việc giá vốn giảm mạnh hơn 47% cũng giúp PDR cải thiện biên lãi gộp cũng như lợi nhuận sau thuế.

Theo đánh giá của các thành viên thị trường, thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở nói riêng, được dự báo sẽ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2021, khả năng xảy ra tình trạng đóng băng hay bong bóng gần như không có do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn ở mức cao.

Cùng với phân khúc nhà ở, mảng bất động sản công nghiệp cũng ghi nhận kết quả tích cực trong quý đầu năm nay. Khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, hiện nay, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt bình quân trên 70%; giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước dao động từ 60.000-80.000 đồng/m2, giá mua đất khu công nghiệp đã có hạ tầng dao động từ 3-5 triệu đồng/m2 và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong quý I/2021, thị trường bất động sản công nghiệp tại những địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển công nghiệp diễn biến rất sôi động, có thể kể đến là các thị trường Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… Theo đó, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều ghi nhận mức tăng trưởng cao.

Đơn cử, kết thúc quý I/2021, Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp – Sonadezi (mã SNZ) đạt 1.226 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt gần 310 tỷ đồng, tăng 14,5%.

Hay với Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã VGC), doanh thu thuần quý I/2021 đạt 2.580 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng cùng kỳ 2020, nhưng nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh nên lợi nhuận gộp đạt 677 tỷ đồng, tăng 27%. Sau khi trừ các loại chí phí, VGC đạt lãi ròng 279,6 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đà tăng trưởng phụ thuộc vào diễn biến Covid

Tính đến thời điểm này, đa phần doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã tổ chức xong đại hội cổ đông thường niên 2021. Điểm qua tài liệu đại hội cổ đông của nhiều doanh nghiệp cho thấy một điểm chung là mục tiêu lợi nhuận được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trong năm nay.

Cụ thể, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, sau khi bộ máy nhân sự mới ở các cấp được hoàn thiện, các điểm nghẽn pháp lý sẽ được tháo gỡ, đồng thời các địa phương cũng khởi động guồng quay phát triển kinh tế nhiệm kỳ mới và khi đó, thị trường bất động sản “cũng sẽ có phần”.

“Những cơn sốt bất động sản thời gian qua, ngoài lý do các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán… đang trở nên rủi ro hơn hay lãi suất tiết kiệm ở mức thấp khiến dòng tiền đổ vào bất động sản, còn xuất phát từ nguyên nhân nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào một chu kỳ kinh tế mới và vài năm tới có thể là giai đoạn vàng của thị trường địa ốc”, đại diện một doanh nghiệp môi giới quy mô lớn nói.

Kỳ vọng là vậy, nhưng doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều nỗi lo, đặc biệt là về đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam. Theo SSI Research, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại có thể khiến các chủ đầu tư tạm hoãn mở bán và hoạt động môi giới bất động sản cũng theo đó mà ảm đạm. Điều này tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng của thị trường bất động sản, nên các thành viên thị trường cũng khó có thể tránh bị ảnh hưởng.

Điểm đáng chú ý cho giai đoạn sắp tới là hoạt động kinh tế vẫn theo hướng ổn định, tạo nền tảng cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản. Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng/2021 tăng 0,89%, mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 vừa diễn ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký duyệt gói hỗ trợ khoảng 115.000 tỷ đồng trong năm 2021, đây là tập hợp các giải pháp của các ngành, các lĩnh vực khác nhau để hướng tới một mục tiêu chung là hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.

Trong đó, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03 ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch. Về lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ để ban hành Nghị định 52, tiếp tục gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế đất… áp dụng trong năm 2021.

Do đó, động lực trong ngắn hạn với thị trường bất động sản là dư địa cho vay của các ngân hàng sẽ tiếp tục được mở rộng. Việc lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp sẽ giúp các ngân hàng thương mại có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay bằng cách thu hẹp biên lãi ròng (NIM), đây là tín hiệu tích cực cho cả người mua nhà để ở và nhà đầu tư trong thời gian tới.

Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, nhu cầu sở hữu nhà đất luôn hiện hữu, bất kể có dịch hay không. Bên cạnh đó, trong quý I/2021, dòng tiền từ thị trường chứng khoán cũng đã phần nào chuyển sang thị trường địa ốc, giúp hoạt động giao dịch bất động sản trở nên sôi động hơn.

Ở mảng bất động sản công nghiệp, sự dịch chuyển của dòng vốn FDI ngày một rõ nét khi lượng vốn đăng ký mới tăng trong quý I/2021, kéo nhu cầu sử dụng kho bãi tại các khu công nghiệp tăng cao, tạo kỳ vọng tích cực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đạt kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2021.

Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định, nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và kho bãi tăng đột biến khiến giá thuê ở các khu công nghiệp gần các thành phố lớn leo thang. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm cũng như cả năm.

Trang Việt
Theo https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/
Link: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/doanh-nghiep-dia-oc-niem-yet-sang-sua-ket-qua-kinh-doanh-quy-i-268806.html