Đường băng sân bay Côn Đảo có thể được mở rộng.

menu

Đóng

Đường băng sân bay Côn Đảo có thể được mở rộng.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mở rộng đường băng từ 30 lên 45 m và xây mới một đường lăn song song để đón các máy bay lớn như A320, A321, B737.

Báo cáo Chính phủ về phương án đầu tư, nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cho biết gần một năm qua, đơn vị tư vấn quốc tế ADPi (Pháp) đã rà soát phương án đầu tư, nghiên cứu kinh nghiệm các cảng hàng không tương tự trên thế giới. Tháng 6, ADPi đã có báo cáo cuối cùng.

Theo khuyến nghị của tư vấn, chiều dài đường cất hạ cánh hiện tại là 1.830 m của sân bay Côn Đảo đủ để tiếp nhận hầu hết loại tàu bay code C trung bình mà các hãng hàng không Việt Nam khai thác như A320 neo/ceo, B737-7/8, E190/E195, ngoại trừ máy bay A321 phải giảm tải trọng.

Đơn vị tư vấn khuyên các hãng nên khai thác máy bay code C như trên để bảo đảm hiệu quả đường bay nội địa của Việt Nam và một số đường bay quốc tế từ Đông Nam Á, Bắc Á đến Côn Đảo.

Ngoài ra, sân bay Côn Đảo cần có khu tiếp nhiên liệu, đường lăn song song giúp tăng 50% công suất và bổ sung hạng mục bảo đảm an toàn.

Máy bay ATR hạ cánh ở sân bay Côn Đảo. Ảnh: Tiểu Long. Máy bay ATR hạ cánh ở sân bay Côn Đảo. Ảnh: Tiểu Long.

 

Từ nghiên cứu của tư vấn Pháp, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn tại sân bay Côn Đảo với tổng đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Dự án đã được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Dự án này gồm mở rộng đường băng hiện hữu theo quy hoạch với kích thước 1.830×45 m; xây mới một đường lăn song song và các đường lăn nối; bổ sung các hạng mục an toàn; hệ thống thiết bị hạ cánh đồng bộ để khai thác hiệu quả các loại máy bay code C.

Với nhà ga hành khách, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư theo hình thức PPP. Đến năm 2030, sân bay cần có thêm nhà ga hành khách, sân đỗ, hạ tầng kỹ thuật mới với công suất 2 triệu lượt khách/năm, kinh phí khoảng 2.100 tỷ đồng.

Xây dựng từ thời Pháp, năm 2004 sân bay Côn Đảo được nâng cấp đạt chuẩn 3C và quân sự cấp II với đường băng cất hạ cánh dài 1.830 m, rộng 30 m, có 4 sân đỗ máy bay đón máy bay ATR72, F70 và tương đương.

Côn Đảo có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế – xã hội, nhất là kinh tế du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch biển. Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ tháng 6/2025, khi các dự án hạ tầng nghỉ dưỡng đưa vào khai thác thì dự báo nhu cầu số du khách đến đảo sẽ tăng đột biến, đến 2030 có thể đạt 2-3 triệu lượt.

Tuy nhiên, các công trình khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn) chính là điểm nghẽn lớn nhất khiến sân bay Côn Đảo hiện nay chỉ đón được các máy bay nhỏ như ATR và tương đương.

Cục Hàng không Việt Nam từng đề xuất phương án kéo dài đường băng ra phía biển thêm 860 m để có thể khai thác đủ tải trọng các máy bay tầm trung như A321. Tuy nhiên, theo phương án này kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, điều kiện triển khai ra phía biển phức tạp, tác động lớn tới môi trường.

Theo Vnexpress.