TP HCM hướng đến mô hình đô thị toàn cầu

menu

Đóng

TP HCM hướng đến mô hình đô thị toàn cầu

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, TP HCM sẽ là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới; trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á…

UBND TP HCM vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hợp lưu sức mạnh

Theo tờ trình, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP HCM với tổng diện tích khoảng 2.123 km2; bao gồm toàn bộ diện tích thuộc ranh hành chính hiện hữu hơn 2.095 km2 và vùng biển Cần Giờ liên quan. Về thời hạn quy hoạch, đợt đầu đến năm 2030, dài hạn đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.

TP HCM đặt mục tiêu là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới  Ảnh: HOÀNG TRIỀUTP HCM đặt mục tiêu là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới .

 

TP HCM được quy hoạch sẽ là thành phố toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á. TP HCM cũng là nơi văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.

Trong đồ án, TP HCM định hướng phát triển không gian tổng thể theo hướng hợp lưu sức mạnh. Thứ nhất, hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, phát triển bền vững và thích ứng. Đô thị lấy cảnh quan sinh thái làm trung tâm, phát huy sức mạnh thiên nhiên làm nền tảng cho sự phát triển.

Thứ hai, hợp lưu tài năng và nguồn lực. Cùng với kiến tạo đại đô thị sầm uất và độc đáo, điểm đến và môi trường sống hấp dẫn, TP HCM cung cấp không gian sống và làm việc cho lao động trình độ cao và doanh nhân; tổ chức nhiều trung tâm sản xuất – kinh doanh hiện đại, gắn kết với hệ thống giao thông vùng và cửa ngõ quốc tế.

Với nội dung hợp lưu sức mạnh kinh tế toàn vùng, TP HCM trở thành trung tâm giao thương quốc tế và kinh tế sáng tạo, linh hoạt đón nhận mọi cơ hội. Cùng với đó, bố trí và kết nối trực tiếp các khu sản xuất – kinh doanh của TP HCM đến các vị trí logistics quốc tế chiến lược; kết nối chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời tái cơ cấu quỹ đất công nghiệp trong nội đô để đón nhận mọi cơ hội chuyển đổi nền kinh tế lên giá trị cao hơn…

Đa trung tâm với 5 vùng đô thị

Theo tờ trình, TP HCM phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái, bao gồm phân vùng đô thị trung tâm và 4 phân vùng đô thị là phía Đông, phía Tây, phía Nam, phía Bắc. TP HCM hội tụ và lan tỏa động lực phát triển bởi sông Sài Gòn, 10 trục xuyên tâm, 3 vành đai và hành lang kinh tế biển; kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia và quốc tế.

Mỗi vùng đô thị đều là những vùng đa chức năng, có thể đáp ứng nhu cầu việc làm và môi trường sống chất lượng cao, tại chỗ cho bộ phận lớn người dân; thực hiện vai trò trung tâm vùng, quốc gia và quốc tế. Đô thị phát triển tập trung gắn với giao thông công cộng; từ các trung tâm sản xuất – kinh doanh có thể kết nối đến cảng biển, sân bay và rừng ngập mặn trong vòng 15-20 phút.

Cụ thể, phân vùng đô thị trung tâm được giới hạn bởi sông Sài Gòn, Quốc lộ 1, kênh Đôi và kênh Tẻ. Tính chất chính là hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo… Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 là khoảng 4,3 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Đông – TP Thủ Đức có các chức năng chính gồm: đô thị sáng tạo, giáo dục đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, y tế, du lịch sinh thái… Trong đó, trung tâm tài chính quốc tế được định hướng phát triển tại khu vực Thủ Thiêm. Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 là khoảng 2,2 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Bắc bao gồm khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Các chức năng chính gồm: dịch vụ giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp (nông nghiệp cảnh quan, hữu cơ, chất lượng cao, công nghệ cao), công nghiệp, giáo dục – đào tạo, du lịch sinh thái – văn hóa – lịch sử… Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 4,5 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Tây gồm khu vực phía Đông Quốc lộ 1 thuộc quận Bình Tân, khu vực phía Bắc và trung tâm huyện Bình Chánh đến phía Tây sông Cần Giuộc. Chức năng chính là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục – đào tạo… Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 2,4 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Nam gồm khu vực phía Nam kênh Đôi thuộc quận 8, khu vực phía Đông sông Cần Giuộc thuộc huyện Bình Chánh, quận 12, quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Phân vùng này đảm nhận chức năng chính là đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp, logistics, trung tâm kinh tế biển… Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 là khoảng 3,1 triệu người.

Về định hướng phát triển nhà ở, TP HCM chú trọng nhà ở giá phù hợp khả năng chi trả của bộ phận lớn dân cư, nhà ở xã hội. Tỉ lệ phân khúc nhà ở cho các hộ thu nhập trung bình và nhà ở xã hội được bảo đảm tối thiểu 60% số lượng căn hộ trong dự án xây dựng mới nhà ở và dự án tái thiết đô thị.

Theo tờ trình, TP HCM định hướng phát triển hệ thống y tế chuyên sâu trên địa bàn theo 3 cụm. Đó là cụm y tế chuyên sâu khu vực trung tâm TP HCM; cụm y tế chuyên sâu tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh và cụm y tế chuyên sâu tại TP Thủ Đức. Mỗi cụm bao gồm trường đại học khối ngành sức khỏe đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, bệnh viện đại học, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đạt chuẩn chất lượng và chuẩn chuyên môn kỹ thuật ngang tầm các nước trong khu vực.

Bên cạnh việc phát triển các cụm y tế chuyên sâu, TP HCM sẽ phát triển thêm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa phục vụ người dân ở các cụm dân cư tương ứng.

Theo Cafef.vn