Trái phiếu doanh nghiệp phản ứng tích cực với khung pháp lý mới
Dù trong quý I/2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ, nhưng theo Bộ Tài chính, diễn biến thị trường đã có những phản ứng tích cực với khung pháp lý mới.
Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý I/2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa: TTXVN
Giữa tháng 3/2021, Tập đoàn Vingroup – CTCP đã chào bán thành công 2.860 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để đầu tư vào 2 công ty con.
Cụ thể, 1.000 tỷ đồng thu được từ 10 triệu trái phiếu VICB2124001 sẽ được Tập đoàn này dùng để tăng vốn vào VinFast; 1.860 tỷ đồng thu được từ 18,6 triệu trái phiếu VICB2124002 sẽ dùng để tăng vốn vào VinSmart.
Đây là đợt phát hành trái phiếu lần 2 của Vingroup. Trước đó một tháng, Tập đoàn này cũng hoàn tất phát hành trái phiếu đợt 1 thu về 1.515 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2021, Vingroup sẽ phát hành 6.975 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, chia làm 3 đợt.
Cũng trong quý I/2021, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt tiếp tục huy động thành công 400 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu, với lãi suất cố định và kỳ hạn 2 năm.
Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp này huy động trên thị trường vốn. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh tín dụng ngân hàng yêu cầu nhiều thủ tục khắt khe hơn.
Bên cạnh cái tên quen thuộc như Vingroup, Phát Đạt…, thị trường còn đón nhận có thêm 2 công ty bất động sản mới. Đó là Smart Dragon và Công ty phát triển bất động sản Nhật Quang phát hành tổng cộng 4.050 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Spirit of Saigon. Dự án này đã huy động khoảng 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2020.
Tuy vậy, tính chung toàn thị trường, thống kê của Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm mạnh tới 40% trong quý I/2021 so với cùng kỳ, chỉ đạt 22.000 tỷ đồng.
Sự sụt giảm mạnh này được cho là ảnh hưởng của hàng loạt khung pháp lý mới theo hướng siết chặt liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực từ quý IV/2020 và đầu năm 2021.
Đó là Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 9/2020. Sang năm 2021, cùng với hiệu lực thi hành của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, phát hành trái phiếu doanh nghiệp áp dụng hàng loạt điểm mới trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Hoạt động này cũng chịu sự điều chỉnh trong Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (có quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng) và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), mặc dù khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành sụt giảm mạnh trong quý 1/2021 với cùng kỳ, tuy nhiên, diễn biến thị trường đã những phản ứng tích cực với khung pháp lý mới.
Cụ thể, trong tổng số 22.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong quý I, có khoảng 13.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng, tăng rất mạnh khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù đối tượng phát hành nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp bất động sản, chiếm 40% thị trường, nhưng đã giảm 60% về lượng so với năm 2020.
Đáng lưu ý, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chỉ còn chiếm 8% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 3 tháng đầu năm 2021, giảm mạnh so với mức 27% trong quý I/2020.
Với diễn biến trên, ông Dương cho rằng, thị trường đang diễn biến tích cực sau khi khung pháp lý mới có hiệu lực. Việc khối lượng phát hành giảm không phải doanh nghiệp giảm nhu cầu huy động vốn. Doanh nghiệp chỉ đang tạm dừng để điều chỉnh cho phù hợp khung chính sách mới thay đổi.
“Trước đây, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ và bán cho nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn. Tuy nhiên, các quy định mới yêu cầu trái phiếu riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này buộc doanh nghiệp phải cân nhắc, tính toán lại để phát hành ra công chúng, nhằm tiếp cận phạm vi nhà đầu tư lớn hơn”, ông Nguyễn Hoàng Dương nói.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, các quy định mới không tác động theo hướng siết chặt, mà mở ra sự đa dạng trong huy động vốn của doanh nghiệp. Việc nhà đầu tư cá nhân tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp qua kênh phát hành ra công chúng sẽ giúp họ tiếp cận tài sản an toàn hơn.
Bởi lẽ, trái phiếu phát hành ra công chúng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, cấp phép thông hành phù hợp công ty đại chúng có quy mô, tình hình tài chính mạnh, sẵn chuẩn công bố thông tin chuẩn mực cao.
Các dự báo trước đó cũng cho thấy, với các quy định mới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ hạ nhiệt so với năm 2020. Tuy nhiên, chất lượng trái phiếu sẽ được nâng cao, tránh rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân.
Các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, các Luật và nghị định mới có hiệu lực từ năm 2021 đã tạo ra sự thay đổi đáng kể về khung pháp lý với các hình thức chào bán trái phiếu.
Theo đó, các thành viên trên thị trường sẽ cần khoảng thời gian để thích nghi với các quy định mới kéo theo sự trầm lắng nhất định trong những tháng đầu năm 2021.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, với các quy định mới, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu ra công chúng để tiếp cận thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân trong năm 2021.
Tuy nhiên, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cũng đã được siết chặt trong quy định mới nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt với đối tượng nhà đầu tư cá nhân. Do vậy, chất lượng trái phiếu trong năm 2021 sẽ được nâng cao.
Để tăng tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Bộ Tài chính hiện đang chuẩn bị hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp, dự kiến hoạt động vào cuối 2021. Hiện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được phân công nghiên cứu xây dựng mô hình thị trường giao dịch phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang triển khai một số hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu.
Việc hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm không chỉ là kênh thông tin quan trọng để nhà đầu tư đánh giá khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ và những rủi ro có liên quan của doanh nghiệp và sản phẩm tài chính, mà còn là bước đi hết sức cần thiết để phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp./.
Nguồn https://bnews.vn/
Link: https://bnews.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-phan-ung-tich-cuc-voi-khung-phap-ly-moi/193110.html